THÁNG 7 VỀ ANH KỂ EM NGHE

14/07/2022 17:00
Nhà thơ, nhà báo kỳ cựu Phạm Hoàn từng là một trong số những chàng trai tuổi hai mươi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những năm tháng khốc liệt nhất của thời hoa lửa trở thành ký ức không thể nào quên bởi đã có một phần thịt xương ông ở đó. Năm nào cũng thế, cứ gần đến 27/7, trong ông lại trào dâng cảm xúc bồi hồi, thương tiếc và xót xa khi nhớ tới những làn mưa bom bão đạn và đồng đội nơi chiến trường.

1.Tháng 7 về anh kể em nghe

Những tháng năm tứ bề bom đạn

Anh hồn nhiên cùng bè, cùng bạn

Đeo ba lô đi dọc Trường Sơn!

 

2.Cả nước ồn ào không ai tính thiệt hơn

Coi cái chết không khác gì sự sống

Đi ra trận mà rộn ràng tiếng trống

Dù ra đi ít nghĩ chuyện quay về!

 

3.Tháng Bảy về anh lại kể em nghe

Những năm tháng đạn bom đốt cháy rừng, cháy núi

Sôi sùng sục những dòng sông con suối

Đã chôn bạn rồi, bom đạn lại đào lên!

 

4.Những tháng năm đó, anh không bao giờ quên

Cứ chập chờn trong mơ, trong giấc ngủ

Nghĩa trang những ngày đi qua mùa lũ

Thi thể lại trơ ra, như tìm gọi bạn bè!

 

5.Tháng 7 về anh sẽ kể em nghe

Cho em nhớ những tháng năm như thế

Cho em hiểu và kể cho con trẻ

Chuyện ngày xưa, chuyện đau đớn của một đời!

 

6.Chiến tranh đã đi xa rồi

Và sẽ không còn ai nhớ nữa

Đêm Trường Sơn lập lòe đốm lửa

Nén hương hoang ai cắm lạc giữa rừng già?

 

7.Tháng 7 về anh kể em nghe

Kể chưa hết sang năm anh kể tiếp

Cơn lũ rừng ầm ầm chảy xiết

Ăn mãi rau rừng không biết có ngày mai!

 

8.Đêm giữa rừng nghe tiếng con nai

Kêu lạc mẹ bởi lũ rừng và bom đạn

Giữa đơn độc chúng tôi thành bè bạn

Cho chúng nó ăn, không nỡ đuổi chúng đi!

 

9.Giữa chiến trường sợ lắm, đôi khi

Ngoảnh trước, ngoảnh sau,... không còn ai cả

Giữa chiến trận địch, ta chết như ngả rạ

Máu xương nhuộm đỏ rừng già!

 

10.Trạm quân y tiền phương không xa

Người đến, người đi, băng đầu, băng trán

Họ lặng lẽ đi dưới làn bom đạn

Vì biết cuộc đời mình khó thoát khỏi đạn bom!

 

11.Người sống lặng yên khiêng người chết đi chôn

Mà không biết ngày mai ai giúp mình như thế

Lấp kín đất họ cúi đầu lặng lẽ

Không khóc được nữa rồi, chỉ lặng lẽ đi thôi!

 

12.Chất độc, napan... trơ khốc những ngọn đồi

Dòng suối chảy ào ào đỏ ngầu chết chóc

Anh lính trẻ lần đầu xa nhà đã khóc

Mặt mũi đen nhèm, gọi mẹ giữa hoang vu...

 

13.Gấp miếng vải dù

Anh nói với tôi gửi về cho bạn gái

Đường dài xa ngái

Anh ra đi mãi mãi chẳng quay về...

 

14.Không phải cùng quê

Không phải con cùng một mẹ

Chúng tôi chỉ chung nhau hồn nhiên, sức trẻ

Chia nhau cái chết chẳng công bằng!

 

15.Cô gái ở quê có biết đâu rằng

Mảnh dù ấy theo chàng trai đi mãi

Trái chưa chín mà ông trời vội hái

Rồi đưa anh về mãi với rừng già...

 

16.Chiến tranh đi xa

Rừng già càng già thêm già mãi

Rừng che chở cho bạn tôi nằm lại

Không cô đơn sao mà vẫn cô đơn?

 

17.Kể cho em nghe anh lại cảm thấy buồn

Cứ thấy: chuyện dân tộc mà như chuyện riêng của những người xấu số

Đôi khi nghĩ mà tự dưng xấu hổ

Và cứ thấy lạnh lùng không hiểu tại làm sao?

 

18.Mấy chục năm thôi mà như tự thuở nào

Nhiều người tưởng chuyện ở trên sao hỏa

Họ nhìn những chiến binh như người xa lạ

Từ hành tinh nào lạc lối qua đây!

 

19.Rồi sẽ có một ngày, sẽ có một ngày

Đất nước không còn họ nữa

Họ sẽ ra đi không còn lần lữa

Bởi giới hạn đời người chỉ có vậy thôi!

 

20.Một năm một lần tôi gặp bạn bè tôi

Qua nén hương thắp trên bia mộ

Ai ở xa hãy giúp tôi nói hộ:

Rằng: MỘT NĂM CHỈ CÓ MỘT NGÀY!

 

21.Tháng 7 về cứ thế khói hương bay

Bố, mẹ các anh rụng dần theo năm tháng

Những người sống cũng dần theo bè bạn

Về với các anh như những ngày xưa...

 

22.Nghĩa trang buổi trưa...

Leo lét những nén hương cháy dở

Trời vẫn nắng, nắng như đổ lửa

Các anh vẫn nằm, dang dở tuổi Thanh Xuân

 

23.Tôi nhớ ngày xưa trùng điệp những đoàn quân

Hừng hực ra đi mà không nghĩ ngày quay lại

Mẹ thì già mà vợ, con thì dại

Họ hồn nhiên ở lại giữa rừng già!

 

24.Hòa bình về, không được hát khúc hoan ca

Một nửa đoàn quân rủ nhau nằm lại

Họ ở đấy, giữa Trường Sơn mãi mãi

Để mẹ già, vợ dại khóc thâu đêm...

 

25.Nắng tàn bên thềm

Mưa thủng mái nhà tranh xiêu vẹo

Em nhỏ bé, mảnh mai như nhành liễu

Nhành liễu già mãi mãi chẳng ra hoa...

 

26. Tháng năm đi xa

Cây ra hoa và hoa thành quả

Còn các anh, những người con của mẹ

Chẳng ra hoa mà cũng chẳng nảy mầm

 

27. Giữa rừng già các anh lặng câm

Chỉ nói với nhau bằng ngôn ngữ những người đã chết

Thế là hết, chẳng còn gì nữa

Chả biết nơi cõi dương họ đã làm gì?

 

28. Không mỏi bước chấn đi

Nhưng mỏi mòn những tháng năm chờ đợi

Mẹ vẫn gọi anh

Những buổi trưa, nghĩa trang tàn và nắng

 

29. Khăn tang trắng ngày xưa

Giờ đã bạc màu và rách

Mẹ không trách thời gian phụ bạc

Mà trách con sao đi mãi vẫn không về!

 

30. Tiếng trẻ khóc trong đêm khuya

Mẹ cồn cào không ngủ được

Tiếng chân ai bước trong đêm, thủy triều dâng con sông quê ngập nước

Họ, những ngườ đàn bà lặng lễ đi về phía: BẾN KHÔNG CHỒNG

 

31. Đêm vẫn mênh mông

Mà tuổi mẹ thì già theo năm tháng

Bóng đêm chạng vạng

Mẹ chìm trong đêm và thẳng đi về nơi quên lãng

 

32. Tuổi có giới hạn

Đợi chờ con và các bạn mãi chưa về

Đành lòng vậy mẹ ra đi con nhé

Để gặp các con nơi ấy: HOÀNG TUYỀN!

 

Tác giả: Phạm Hoàn